Ngành y tế đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phục vụ người dân tốt hơn

2021-02-27 07:18:00.0

 

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức ghép tim cho một bệnh nhi 7 tuổi.
 

Trong năm 2020, thế giới chứng kiến sự hoành hành của đại dịch Covid-19 khiến hơn 105 triệu người mắc, cướp đi sinh mạng của hơn 2,3 triệu người và tác động đến mọi mặt đời sống của nhân loại. Tại Việt Nam, với sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của Ðảng, Chính phủ, sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành, các địa phương, nhất là sự đồng lòng nhất trí, tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, chúng ta đã chủ động, kiểm soát và khống chế các đợt dịch bùng phát. Ðặc biệt, ngành y tế đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng trụ vững tại mọi điểm nóng đã thành công trong việc khống chế các ổ dịch, hạn chế thấp nhất số người mắc bệnh tử vong cũng như mức độ lây lan của dịch bệnh. Nhờ đó, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Bên cạnh việc góp phần vào thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19, với tư duy đổi mới, ngành y tế cũng có nhiều bứt phá để phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Sự ra đời của hệ thống khám, chữa bệnh từ xa kết nối 1.500 bệnh viện giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở; 97,5 triệu hồ sơ sức khỏe người dân được thiết lập tạo tiền đề xây dựng nền y tế thông minh… Toàn ngành tích cực thực hiện chuyển đổi số với sự ra đời của hàng loạt nền tảng, ứng dụng y tế số, công khai giá thuốc, trang thiết bị, dịch vụ y tế… tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2020 cũng ghi nhận những kỹ thuật vượt bậc của y khoa trong ghép tạng, phẫu thuật tách cặp Song Nhi.

Bước sang năm 2021, ngành y tế xác định là cột mốc bắt đầu của tiến trình thực hiện các đổi mới mạnh mẽ, toàn diện của ngành. Ðây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, và ngành y tế được giao những nhiệm vụ quan trọng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan đối với Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu của năm 2021, dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trở lại tại Hải Dương, Quảng Ninh và lây lan ra 11 địa phương khác trong cả nước. Cuộc chiến với "giặc Covid-19" lần này gian nan hơn với các chủng biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn. Do vậy, toàn ngành cần nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ, toàn diện các hoạt động, đồng thời kế thừa những truyền thống tốt đẹp, phát huy trí tuệ, sức mạnh đoàn kết của ngành vừa để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và tiếp tục bảo đảm môi trường an toàn để năm thứ hai liên tiếp thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ.

Nhiệm vụ cấp bách của ngành trong năm 2021 là tiếp tục chống dịch Covid-19 thành công khi đợt dịch thứ ba đã bùng phát ở Hải Dương và một số tỉnh, thành phố. Phát huy những kinh nghiệm chống dịch, chúng ta đã một lần nữa huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc và sau hơn ba tuần đã cơ bản kiểm soát được dịch ở hầu hết các địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời các địa phương để nhanh chóng kiểm soát dứt điểm dịch bệnh, đồng thời ưu tiên trọng tâm sớm đưa vắc-xin về Việt Nam phục vụ người dân và thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin trong nước.

Ðẩy mạnh công tác y tế dự phòng, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bảo đảm an toàn, an ninh y tế và nâng cao sức khỏe người dân. Phát huy những thành công, những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống đại dịch Covid-19, trong ngăn ngừa, phòng, chống và dập tắt các dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân. Thiết lập các trung tâm kiểm soát dịch bệnh khu vực; xây dựng các cơ sở nghiên cứu chuyên sâu về dịch tễ học và tác nhân gây bệnh; hình thành các trung tâm ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh của quốc tế và khu vực... Thúc đẩy các chương trình nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm dựa vào cộng đồng; triển khai các chương trình mục tiêu y tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững về y tế.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân hướng tới sự hài lòng của người bệnh; giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn. Trước mắt, ngành đẩy mạnh triển khai Ðề án Khám chữa bệnh từ xa, tăng cường trao đổi, hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên với tuyến dưới, tăng cường năng lực y tế cơ sở để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại y tế cơ sở. Ðẩy mạnh cải cách hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đẩy nhanh việc thực hiện chăm sóc toàn diện, lấy người bệnh là trung tâm trong phục vụ; tiếp tục giảm tải các bệnh viện tuyến trên; đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền. Xây dựng nền y học Việt Nam vừa khoa học, vừa đại chúng.

Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân. Triển khai các giải pháp đột phá về chuyên môn, cơ chế tài chính, đầu tư cho y tế cơ sở; tăng cường năng lực cho y tế cơ sở; triển khai đề án đào tạo nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Triển khai quản lý sức khỏe toàn dân; triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; tăng cường công tác dân số trong tình hình mới.

Thực hiện đổi mới toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế. Ðổi mới việc thi, cấp chứng chỉ hành nghề, hình thành các trung tâm thi cấp chứng chỉ theo chuẩn mực quốc tế; đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia; tăng cường trách nhiệm xã hội của nhân viên y tế; từng bước cải thiện điều kiện và các chính sách đãi ngộ với nhân viên y tế, nhất là cán bộ công tác tại y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và các khu vực khó khăn. Phát huy tính sáng tạo, tinh thần làm việc cống hiến của nhân viên y tế trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Tiếp tục đầu tư cho y tế, xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế; đổi mới cơ chế đầu tư, ưu tiên đầu tư bằng ngân sách nhà nước cho các vùng, khu vực, lĩnh vực khó khăn. Tăng cường quản lý, công khai minh bạch trong việc thực hiện bảo hiểm y tế; thực hiện theo lộ trình tính đúng giá dịch vụ bảo hiểm y tế, giảm chi tiền túi của người bệnh; quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, người có công, người già, bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe bình đẳng.

Tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế. Công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; công khai giá thuốc, giá trang thiết bị, giá khám bệnh, chữa bệnh. Ðẩy mạnh việc sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế trong nước; thúc đẩy phát triển dược liệu; thiết lập hệ thống kiểm chuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra việc thực hiện đấu thầu mua sắm của các đơn vị y tế và xử lý nghiêm các sai phạm.

Thực hiện quy hoạch tổng thể ngành Y tế từ nay đến năm 2045 bảo đảm hệ thống y tế phát triển ngang tầm với các nước trên thế giới; tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy y tế bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền trong đó quan tâm y tế ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, khu vực Trung Bộ. Phát triển cơ sở y tế có sức cạnh tranh với các cơ sở y tế trên thế giới; đẩy mạnh việc gắn kết các hoạt động y tế với phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao đạo đức ngành y thông qua giáo dục y đức, tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân đối với cán bộ, viên chức ngành y, nhất là lớp thầy thuốc trẻ. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhân viên y tế. Nâng cao vị thế xã hội của ngành y nhằm động viên, khuyến khích sự cống hiến của đội ngũ thầy thuốc đối với nhân dân; thực hiện kịp thời các chính sách về khen thưởng động viên thầy thuốc và xử lý nghiêm những vi phạm về y đức.

Ðẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, bao gồm khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng trong y học; đẩy mạnh khoa học sáng tạo trong dự phòng, khám, chữa bệnh; tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu nhất là các trường đại học, các viện nghiên cứu và các cơ sở khám chữa bệnh; thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng thành tựu của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư trong y học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tiện ích đối với người dân; thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Tăng cường vai trò, vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy các hợp tác song phương, đa phương, thu hút nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn từ các nước phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác chuyên môn giữa các trường, viện, bệnh viện với các quốc gia trên thế giới.

Kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Hơn lúc nào hết, những cán bộ y tế trong cả nước càng phải quyết tâm hơn để hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép: "Phòng, chống dịch và phát triển kinh tế của đất nước".

Gs, Ts NGUYỄN THANH LONG Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Y tế
nhandan.com.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 135040

PHƯỜNG QUAN TRIỀU - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Thái Hòa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Quan Triều. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208.3855.661
  • quantrieu@thainguyencity.gov.vn